Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Cơm Việt trên bàn tiệc ngoại giao


Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhà ngoại giao nổi tiếng của Việt Nam sẽ nói về một bữa cơm Việt Nam được đánh giá ra sao và bàn yến tiệc của quốc gia hiện tại như thế nào.

* Thưa bà, bà đánh giá thế nào về tính hấp dẫn của ẩm thực dân gian Việt Nam dưới góc nhìn của một người đi nhiều?

- Tôi muốn bắt đầu bằng một nhận định của người đàn ông được xưng tụng là “vua bếp” của Vương quốc Bỉ: “Rất khó để xếp hạng ẩm thực giữa các châu lục. Nhưng ở châu Á, tôi chọn cơm Việt Nam ở vị trí số một”. Và tôi đồng ý với nhận định này. Vì sao? Vì một cách ngẫu nhiên, những món ăn Việt “chính cống” lại mang tính hiện đại rất cao.

Hãy xem cơm Việt thế nào: không có nhiều chất béo, thực phẩm thì luôn chọn những thứ tươi nhất, sống lại càng tốt và bao giờ cũng là một bữa cơm rất nhiều rau và không có nhiều chất bột. Chúng ta cũng không sử dụng nhiều chất ngọt và các gia vị chủ yếu lấy từ thiên nhiên.

Khi đem so sánh những món ăn của ta với các người láng giềng, sẽ thấy có những sự khác biệt lẫn tương hợp rất thú vị. Đôi khi có những món hấp mang màu sắc Trung Quốc, đôi khi có chút cà ri của Ấn Độ, có vùng thì nhiều nước dừa và đậu phộng của Thái Lan và món mắm thì mang nhiều phong vị Campuchia. Nói tóm lại, ẩm thực dân gian của ta hội đủ hai yếu tố đang là xu hướng chung của thế giới: mang tính hiện đại và có một sự giao kết nhiều luồng văn hoá ẩm thực khác nhau. Cái nào cũng hay, cũng tốt. Nhưng cái gì phải ra cái ấy, đừng để bị pha trộn lẫn lộn.

Một bát cơm trắng thật thơm, một đĩa rau muống xào thật mướt, một chén nước mắm đậm đà, thêm vài cuốn chả giò… Tất cả đặt trong một khay nhỏ, trang trí thật đẹp và có những bộ đồ ăn thật thích hợp. Tôi tin rằng như thế, ai dùng một lần sẽ nhớ mãi hương vị Việt Nam

* Và với vai trò là một nhà ngoại giao, có bao giờ bà nghĩ đến một thực đơn đãi khách quốc tế thuần những món ăn dân gian Việt Nam hay không?


Cơm nấu lá sen đã được sang trọng
- Cho tôi bức xúc một chút về chuyện này. Mấy mươi năm làm đối ngoại, tôi vẫn không thể hiểu được vì sao Nhà khách Chính phủ của ta có thể dùng một nhà bếp kém như thế. Chưa bao giờ thực đơn đãi khách được lên một cách hài hòa, chỉn chu và đúng bản sắc. Sao lại có thể đem bò beefsteak vừa dở, vừa xấu lại vừa quá sức bình dân ra đãi khách hoàng gia.

Rồi lại chen lẫn vài món chả giò, nộm một cách tuỳ hứng. Đến khi yêu cầu chọn các món dân gian thì lại mang ra một thực đơn mang màu sắc Trung Quốc. Có lần tôi làm chủ trì một buổi tiếp khách, tôi phải yêu cầu đi mua đúng loại bánh cuốn ngon nhất Hà Nội, đi đặt đúng món chả cá ở Lã Vọng và phải ngồi tính toán xem làm cách nào để trình bày những món thế này để đãi khách.

Thật vô lý khi người nước ngoài đến, ta lại dùng món Tây để đãi. Tôi vẫn nghĩ mình hoàn toàn có thể tính toán một thực đơn gọi là “quốc yến” để đãi khách gồm toàn những món ăn dân dã. Một bát cơm trắng thật thơm, một đĩa rau muống xào thật mướt, một chén nước mắm đậm đà, thêm vài cuốn chả giò… Tất cả đặt trong một khay nhỏ, cái này phải học cách của người Nhật vì người nước ngoài không thích ăn chung như mình, trang trí thật đẹp và có những bộ đồ ăn thật thích hợp. Tôi tin rằng như thế, ai dùng một lần sẽ nhớ mãi hương vị Việt Nam.

* Và bà sẽ là người đứng ra dựng thực đơn này chứ?

- Không. Đó phải là một dự án hẳn hòi. Tôi mường tượng đó là việc của Ban lễ tân Chính phủ, kết hợp với cơ quan du lịch. Dự án phải có những đầu bếp Việt Nam thật tốt, một chuyên gia của khách sạn năm sao quốc tế, một chuyên gia về phục vụ của Nhật để có thể hoàn tất các khâu, từ việc lập một menu, cách phục vụ, chế biến cho đến việc trình bày…

Tôi suy nghĩ rất nhiều về dự án này, và sẽ ủng hộ hết mình.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét