Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Miền Hậu Giang và "con đường lúa gạo"


(TNO) “Kênh xáng Xà No - Con đường lúa gạo miền Hậu Giang” là chủ đề cuộc hội thảo được tổ chức ngày 30.11, trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất tại Hậu Giang.

Miền Hậu Giang

Miền Hậu Giang (MHG) có một vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của cả nước. Đây là một miền địa lý quan trọng của vùng ĐBSCL, nằm ở phía nam sông Hậu, với diện tích khoảng 2 triệu ha. MHG đã hình thành và phát triển từ cuộc Nam tiến của Chúa Nguyễn. Ngày nay, miền này bao gồm các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau với dân số trên 9 triệu người.

Đây là vùng đất có nhiều lợi thế, tiềm năng về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Đặc biệt góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo. Mỗi năm, sản lượng lúa của vùng này đạt khoảng 11,25 triệu tấn, chiếm 60% sản lượng toàn vùng ĐBSCL.

MHG nằm trong vùng địa lý có chế độ dòng chảy khá phức tạp, nơi giao thoa giữa 3 chế độ dòng chảy: Bán nhật triều biển Đông, nhật triều Vịnh Thái Lan, dòng chảy thay đổi theo mùa từ thượng lưu sông Mê Kông. Từ đó tạo nên vô số vùng giáp nước, gây khó khăn trong tiêu thoát nước trong vùng. Vì vậy, mục tiêu là phải có một giải pháp phù hợp, khai thác hiệu quả, tối đa lượng nước từ sông Hậu để mở rộng diện tích vùng ảnh hưởng nước ngọt nhằm gia tăng diện tích trồng lúa và đối phó với thách thức của biến đổi khí hậu.

MHG trong tương lai vẫn mang trên mình trọng trách góp phần đảm bảo an ninh lương thực và nhiều nhiệm vụ kinh tế, xã hội quan trọng khác. Song, so với mặt bằng chung của toàn vùng ĐBSCL và cả nước, MHG vẫn còn nghèo, trình độ dân trí còn thấp… Đặc biệt là người nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt lúa, hạt gạo vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi.

Các nhà khoa học, chính quyền các tỉnh trong khu vực cho rằng: Với vai trò quan trọng của mình, MHG phải được Chính phủ đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc phát triển cho nông dân, nông nghiệp và nông thôn.

"Con đường lúa gạo"

Thời kỳ trước năm 1945, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành đào kênh xáng Xà No (KXXN) nối liền giữa biển Tây và sông Hậu. Tuyến kênh có chiều dài khoảng 40 km, với điểm bắt đầu từ Sóc Xà No (Srock Snor) ăn thông qua sông Cái Tư (Hậu Giang - Kiên Giang).

Kênh được thi công bắt đầu từ năm 1901 và đến 1903 thì hoàn tất; đến ngày 29.6.1904 thì được phê chuẩn và từ đó chính thức đưa vào khai thác sử dụng. Đây được xem là dấu mốc trong công cuộc hình thành vựa lúa MHG và "con đường lúa gạo".

Tầm quan trọng của KXXN ngoài hiệu quả tiêu thoát nước cho MHG, phục vụ cho khẩn hoang, định cư của người dân; nó còn là trục giao thông thủy chiến lược - “một tuyến quốc lộ trên sông” nối liền nhiều địa phương trong MHG. Trên “tuyến quốc lộ” này đã hình thành các tụ điểm giao lưu kinh tế, văn hóa sầm uất và tạo nên huyết mạch giao thương lúa gạo của MHG.

Trong hơn 100 năm qua, KXXN đã phát huy được hiệu quả trong công cuộc khai hoang phục hóa, gặt hái nhiều thành quả và mang lại nhiều nguồn lợi to lớn cho người dân trong vùng.

Ngày nay, KXXN càng được khẳng định bởi sự gắn kết với nhiều công trình, dự án phát triển vùng tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Dù trong thời gian qua, nhiều “con đường lúa gạo” khác ở ĐBSCL đã hình thành, nhưng KXXN vẫn là "con đường lúa gạo" huyết mạch của MHG. Ở một chừng mực nào đó, KXXN còn góp phần hình thành nên một nền văn minh mà nhiều người vẫn hay gọi là “văn minh kênh xáng”.

Ngày 30.11, trên dòng kênh xáng Xà No diễn ra vòng chung kết giải đua ghe ngo mừng Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất. Có 18 đội đua của 8 tỉnh, thành trong ĐBSCL tham dự. Kết quả chung cuộc đội ghe ngo huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đoạt hạng nhất, Châu Thành (Kiên Giang) hạng nhì và Càng Long (Trà Vinh) hạng ba.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét