Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

OREC, ý tưởng về tổ chức các nước xuất khẩu gạo


Trong khi các nước châu Á đang tỏ ra hào hứng với ý tưởng của Thái Lan về việc thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu gạo (OREC) giống như mô hình Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), thì nhiều chuyên gia lại cảnh báo, OREC không phải là cái phao như mọi người vẫn nghĩ.

Để bảo vệ ý tưởng được đánh giá là khá mạnh dạn này, Thái Lan nêu ra những cái lợi mà OREC có thể mang lại như: Tránh được rủi ro của biến động giá gạo, ấn định được giá gạo trên thị trường thế giới đồng thời ổn định giá trên thị trường nội địa, dự báo về giá cả để làm cơ sở cho các quyết định về năng suất hay đầu tư kỹ thuật cho nông dân... Trong bối cảnh cơn sốt trên thị trường gạo nóng không kém cơn sốt dầu mỏ, cả thế giới bị cuốn vào cuộc tìm kiếm chiến lược nhằm bình ổn thị trường gạo, thì ý tưởng của Thái Lan về việc thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu gạo (OREC) thu hút được sự chú ý của dư luận là tất yếu.
Tuy nhiên, phân tích kỹ mọi khía cạnh của “dự án OREC”, các nhà chính trị và giới kinh doanh đã nhận thấy OREC bộc lộ nhiều bất cập. So với OPEC, OREC có những khác biệt cơ bản cả về bản chất thị trường cũng như nguyên tắc hoạt động. Và nếu được hình thành trong giai đoạn hiện nay, OREC sẽ sớm vượt ra ngoài tầm kiểm soát của tất cả các nước thành viên.
Thứ nhất, không giống với dầu thô, gạo là mặt hàng khó quản lý về sản lượng do việc sản xuất gạo phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Theo đề xuất của Thái Lan, 5 quốc gia châu Á được mời tham gia OREC gồm ẤËn Độ, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, sản xuất tổng cộng mỗi năm khoảng 60 triệu tấn gạo và cung cấp hơn 60% lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, cả Ấn Độ và Việt Nam đã phải ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu để bảo đảm dự trữ và bình ổn giá gạo nội địa. Là một trong những nước xuất khẩu gạo, nhưng Myanmar hiện đang rất lo lắng vì trận bão khủng khiếp Nagris, vừa tàn phá nhiều kho dự trữ gạo của nước này. Gặp khó khăn về nguồn gạo dữ trữ, chắc chắn Myanmar không thể tính đến chuyện xuất khẩu. So với các lĩnh vực khác của nền kinh tế, sản xuất gạo là một thế mạnh của Lào và Campuchia nhưng chưa thực sự đủ mạnh trên thị trường thế giới nếu không có sự góp sức của những nước xuất khẩu lớn khác như Việt Nam và Ấn Độ. Vì vậy, nếu chỉ xét về tổng sản lượng, về nguyên tắc OREC có thể đáp ứng nhu cầu của thế giới, nhưng chỉ cần một nước thành viên gặp thiên tai cũng tác động đến kế hoạch hành động của cả nhóm.
Thứ hai, gạo không có sẵn như dầu mỏ. Không phải giá gạo thế giới tăng là OREC có thể tăng ngay nguồn cung để bình ổn giá. Vì vậy, không thể coi việc sản xuất gạo dễ dàng và nhanh chóng như hút dầu từ giếng khoan. Sự thiếu hụt trước mắt không thể giải quyết tức thì như OPEC từng làm, mà chỉ có thể là một bài học kinh nghiệm cho việc lên kế hoạch sản xuất vụ sau.
Thứ ba, không thể coi gạo là mặt hàng dự trữ lâu dài như dầu mỏ vì gạo chỉ duy trì được chất lượng trong một thời gian bảo quản nhất định. Dự trữ gạo nếu dư thừa, tuy trước mắt có thể góp phần làm giảm giá, nhưng lại gây tác hại cho nhà nông cũng như chính phủ nước xuất khẩu.
Thứ tư, tất cả những nước xuất khẩu gạo hiện nay đều là các nước đang phát triển. Ngoài các yếu tố như kỹ thuật, thời tiết, các nước này vẫn đứng trước thách thức lớn khi vừa phải duy trì đất canh tác để có nguồn thu từ xuất khẩu nông sản, vừa phải đảm bảo diện tích cho phát triển các khu công nghiệp cũng như đô thị hoá. Thời gian qua, khi “sóng ngầm giá lương thực” lặng lẽ tràn qua nhiều nước, Philippines được nhắc đến là một điển hình về sự mất cân đối này. Từ một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cách đây vài chục năm, giờ đây Philippines trở thành một trong những nước nhập khẩu nhiều gạo nhất và gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn cung gạo. Sau nhiều năm để ngành công nghiệp “chiếm” dần đất của nông nghiệp, mới đây, Chính phủ Philippines đã phải quyết định mở rộng diện tích trồng lúa. Hơn nữa, khi một trong những nguyên nhân chính của giá gạo tăng là dân số thế giới tăng chóng mặt, thì diện tích đất trồng lúa không bao giờ có thể “chạy theo kịp”.
Đó là những yếu tố con người tác động đến nguồn cung ứng gạo, chưa tính đến yếu tố thời tiết, điều mà bất kỳ nước nông nghiệp nào cũng ý thức được. Đợt hạn hán kéo dài trong hai năm qua là bài học mới nhất cho thấy biến đổi khí hậu đã khiến sản xuất nông nghiệp vượt khỏi tầm kiểm soát của con người, kể cả tại những nước có nền nông nghiệp hiện đại như Australia hay New Zealand.
Đây không phải là lần đầu tiên Thái Lan đưa ra đề xuất trên. Năm 2001, ý tưởng OREC đã được Thái Lan đề cập tới song không nhận được sự hưởng ứng của những nước liên quan. Gần đây, ý tưởng này lại được đưa ra và nhận được sự quan tâm hơn. Tuy nhiên, một ý tưởng mới có thể là chiếc phao cứu sinh nhưng cũng có thể tạo ra vùng xoáy mới nếu không được nghiên cứu cẩn trọng.

Minh Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét