Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Thị trường lúa gạo VN 2010: Triển vọng trong thách thức

Đây là nhận xét của các chuyên gia tại hội thảo “Triển vọng thị trường lúa gạo VN 2010”do VCCI Cần Thơ phối hợp với Hiệp hội Lương thực VN (VFA) và Trung tâm thông tin Phát triển NNNT-Viện Chính sách & Chiến lược PT NNNT tổ chức bên thềm Festival Lúa gạo VN lần đầu tiên tại Hậu Giang.

Phó chủ tịch VFA Nguyễn Thọ Trí, cho biết: Đến 25/11, số lượng gạo đăng ký XK lên tới 6,721 triệu tấn, DN cả nước đã XK 5,601 triệu tấn, đạt trị giá FOB 2,266 tỷ USD (giá XK bình quân 404,69USD/tấn), tăng 33,42% về lượng, giảm 7,79% về trị giá FOB; trong đó, số lượng XK theo hợp đồng tập trung đạt 2,399 triệu tấn, chiếm 42,83% tổng lượng XK; loại gạo phẩm cấp cao chiếm 39,91%... Khả năng cả năm nay, VN có thể XK 6 triệu tấn gạo các loại là trong tầm tay.

Nhận định của VFA về mua bán gạo năm 2009, cho thấy: Từ đầu năm đến tháng 9, thị trường thế giới vẫn trầm lắng, giá gạo gần như “dậm chân tại chỗ”; thậm chí, trong các tháng từ 4-6/2009 giá có xu hướng giảm, dao động xoay quanh mức 400USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 350USD/tấn đối với gạo 25% tấm… Tuy nhiên, từ đầu tháng 11 này, với nhiều cố gắng của Chính phủ và DN, việc tiêu thụ lúa gạo đã chuyển biến tích cực, có lợi cho người nông dân với mức 5.000đ/kg lúa đủ tiêu chuẩn chế biến XK.

Với thị trường toàn cầu, gạo VN ngày càng khẳng định được vị trí, giữ được giá XK, loại gạo cấp trung bình có khả năng cạnh tranh cao. Việc duy trì các thị trường truyền thống đóng vai trò nền tảng giúp ngành lúa gạo VN có thời gian khắc phục khiếm khuyết về giống lúa, chất lượng gạo, tập quán canh tác, sức chứa kho dự trữ, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến…

Trong khi đó, Ấn Độ dù được mùa nhưng một mặt đưa sang dự trữ cao chưa từng có (hơn 20 triệu tấn), đồng thời “hé” cửa XK gạo trắng và gạo đồ ở mức 2 triệu tấn nhưng không lâu sau đó lại “đóng cửa”. Còn Thái Lan tiếp tục chương trình mua lúa trợ giá cho nông dân, nâng mức tồn kho lên hơn 6 triệu tấn và chủ trương “xả kho” nhằm giảm chi phí, hao hụt. Bên cạnh đó, khủng hoảng tài chính thế giới đã tạo ra giới hạn việc mua gạo cấp thấp vì các nước nghèo không được viện trợ kịp thời như trước. Gạo tồn kho thường kỳ có sự dịch chuyển từ kho người mua sang kho người bán…

Từ tháng 9 trở lại đây, diễn biến thiên tai phức tạp, Philippine bị ảnh hưởng nặng nề hiện tượng Elnino, bão lũ, mất mùa nên phải tăng nhu cầu nhập khẩu gạo. Đáng quan ngại hơn, Liên hiệp quốc dự báo có tới hàng tỷ người thiếu đói… là lý do “đẩy” giá gạo tăng lên.

Về thị trường lúa gạo năm 2010, VFA cho rằng: Thị trường đang có dấu hiệu thuận lợi, nhưng nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước châu Á, châu Phi đang tiềm ẩn nhiều khả năng, VN cần có hệ thống dự báo chính xác, nhạy bén. Tổ chức tốt hệ thống thu mua, chế biến và bảo quản để bảo đảm chất lượng gạo, đồng thời mở rộng khả năng chủ động ứng phó diễn biến thị trường. Công tác điều hành XK sắp có cơ chế mới phù hợp, chỉnh đốn đội ngũ DN theo hướng chuyên nghiệp hơn, có trách nhiệm và quan tâm cụ thể đến khâu sản xuất của người nông dân. Chủ động đối phó việc biến đổi khí hậu và có giải pháp thích hợp trong xu hướng đất sản xuất lúa đang thu hẹp dần…

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ “tái hiện” bức tranh XK gạo VN 20 năm qua với những con số thống kê sinh động về sản xuất lúa, XK gạo nhiều biến động và sự kém ổn định của hoạt động kinh tế gắn liền với người nông dân. Giá gạo thế giới tác động đến giá lúa trong nước. “XK gạo hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát. Gạo tồn kho nhiều đã tạo ra áp lực và ảnh hưởng đến lạm phát” - ông Dũng nói.

GĐ VCCI Cần Thơ cảnh báo: Khi lạm phát, các loại hàng hóa vật tư hàng hóa biến động tăng, ảnh hưởng rất lớn đến khu vực sản xuất lúa gạo của nông dân do hệ thống an sinh xã hội ở khu vực này kém hơn khu vực đô thị. Trong nước, DN tìm kiếm cơ hội ký Hợp đồng bán sớm (khống) vận động theo chiều ngược lại sự quan tâm của thương nhân nước ngoài về giá cả đầu vụ đã dẫn đến tình trạng biến động bất lợi cho DN XK gạo VN – đó là hiện trạng trước năm 2000. Gần đây, tình trạng này đã giảm thiểu. Tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu đang gia tăng, khả năng sản xuất lúa ngày càng khó khăn, ngoài các nguyên nhân về vật tư, phân bón… còn ảnh hưởng bởi tăng trưởng sản lượng ngày càng khó, diện tích sản xuất thu hẹp và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Do vậy, VN muốn giữ vững vị trí trên thị trường lúa gạo thế giới thì cần có chiến lược dài hạn về an ninh lương thực; trong đó, nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của vùng ĐBSCL trong chiến lược chung, cần có chương trình đầu tư thích hợp cho vùng lúa lớn nhất nước, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế trong vấn đề biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực XK, gồm cả dự báo, phân tích thị trường, tăng cường năng lực dự trữ, giúp nông dân tiếp cận tín dụng, đổi mới công nghệ chế biến; tăng cường năng lực cạnh tranh bằng cách tổ chức kinh doanh lúa gạo theo chuỗi giá trị, hình thành các cụm kinh doanh, thành lập cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về lương thực và chế biến, và kinh doanh lúa gạo, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin và nhân lực tương xứng.

Đưa ra câu chuyện Ấn Độ tăng dự trữ 20 triệu tấn gạo và hạn chế đến mức thấp nhất việc XK, Tổng Biên tập Tạp chí Rice Today V. Subramannian cho rằng: “Rõ ràng lúa gạo không còn là loại hàng hóa đơn nhất mà nó là một chuỗi bao gồm các thị trường với lượng cung-cầu riêng biệt”. Theo ông V. Subramannian: Nói về thương mại lúa gạo, giá cả và con đường trước mặt là rất dài. Nhân loại trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo, sử dụng ngũ cốc đang đối mặt nhiều thách thức (cả thuận và nghịch chiều). Khi giao dịch thực sự không tăng hơn, do nước nghèo chưa nhận viện trợ, tiêu thụ tăng khá ổn định, nhưng sẽ chững lại ở giai đoạn 2008-2010 và tiếp tục tiềm ẩn nhiều đáp số không dễ lý giải. Giải quyết điều này cần có sự chung tay với các chính sách dài hạn.

Bài và ảnh: Huy Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét