Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2009

Thúc đẩy hạt lúa tiến hóa nhanh hơn

TTCT - Giá gạo tăng cao ảnh hưởng đến nhiều quốc gia. Tại Philippines, Viện nghiên cứu lúa quốc tế đang tìm những biện pháp mới để góp phần giải quyết nạn đói trên toàn cầu.

Trồng thử nghiệm lúa lai tại IRRI - Ảnh: ufz.de

“Năm 2007 giá 1 tấn gạo chỉ vào khoảng 300 USD, năm 2008 đã lên đến 1.180 USD, hiện giờ vẫn còn khoảng 550 USD - nhà kinh tế xã hội học người Ấn Độ Samarendu Mohanty của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) ở Los Banos, Philippines, nói - Nếu như không có thay đổi về cơ bản thì một lúc nào đó chúng ta sẽ đi đến thảm họa”.

Tăng gấp đôi sản lượng để nuôi 9 tỉ người

Trên sàn giao dịch gạo thời gian gần đây, chỉ trong một ngày giá gạo đã dao động bằng cả một năm trước, theo quan sát của ông Mohanty. Toàn bộ hệ thống dường như đang lung lay. Nối tiếp cơn sốc dầu hỏa là bong bóng đầu cơ và các cuộc khủng hoảng lương thực, tài chính và kinh tế thế giới. Tất cả dẫn đến một phản ứng dây chuyền tai hại: ngày càng có nhiều quốc gia đóng kín thị trường, những nước như Ấn Độ đã dự trữ một lượng gạo khổng lồ và qua đó làm tăng sức cầu.

“Sự kết hợp nguy cơ từ suy thoái kinh tế và giá lương thực thực phẩm liên tục ở mức cao đã đẩy thêm tròn 100 triệu người vào vòng nghèo đói so với năm 2008” - ông Jacques Diouf, giám đốc Tổ chức Lương nông của Liên Hiệp Quốc (FAO), từng cảnh báo trong tháng 6 vừa qua và đưa ra nhiều con số gây sốc.

Theo đó, hiện thế giới có trên 1 tỉ người đói ăn, nhiều nhất là châu Á với 640 triệu người. Và vẫn chưa biết được bao giờ thảm kịch này sẽ kết thúc. Hạn hán, ngập lụt hay nóng bức xuất hiện ngày càng nhiều và dân số thế giới ngày càng tăng đều góp phần làm tình trạng này thêm căng thẳng. Hiện nay có 6,8 tỉ người sống trên hành tinh, nhưng 40 năm nữa sẽ có trên 9 tỉ người. Theo FAO, để cung cấp đủ lương thực cho tất cả mọi người thì sản lượng lúa mì, bắp, khoai tây hay gạo phải tăng gấp đôi cho đến năm 2050.

Trong những lúc như thế này, người ta thường nhìn về Los Banos. Các chuyên gia về lúa có nhiều kinh nghiệm nhất đang tập trung ở IRRI. Los Banos thuộc vùng ngoại ô của thủ đô Manila, có trên 250ha đất nghiên cứu và một bộ sưu tập trên 110.000 giống lúa. Được tài trợ chủ yếu từ Quỹ Rockefeller và Quỹ Ford, IRRI ra đời năm 1960 nhằm giải quyết các vấn đề về cung cấp lương thực của thế giới.

Các chuyên gia của IRRI đã có lần giúp thế giới tránh được một thảm họa. Năm 1966, các nhà khoa học ở Los Banos phát triển giống lúa có năng suất cao IR8 và qua đó đã đứng vào hàng đầu của cái gọi là cuộc Cách mạng xanh. Nhờ IR8, sản lượng thu hoạch đã tăng gấp đôi, giúp thế giới vượt qua được cuộc khủng hoảng lương thực đầu những năm 1970.

Hiện nhiều người đang hi vọng vào một điều kỳ diệu tương tự diễn ra. Theo tính toán của các nhà khoa học IRRI, hằng năm thế giới phải sản xuất thêm 10 triệu tấn gạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Người ta đã không đạt đến con số này từ nhiều năm nay.

Phần lớn chuyên gia đều thống nhất thế giới không còn nhiều đất để trồng thêm lúa nữa. Ít nhất là hiện giờ, vì trên lý thuyết châu Phi có thể giúp giải quyết phần nào trong vấn đề cung ứng. Thế nhưng, cho đến bao giờ hạ tầng cơ sở trên châu lục này vẫn trong tình trạng tệ hại, và châu Phi vẫn dựa vào tiền viện trợ phát triển thay vì trao đổi hàng hóa thì vựa lúa châu Phi vẫn chỉ là ước mơ. Có triển vọng nhiều hơn là cải thiện các phương pháp hiện tại.

Các chuyên gia IRRI dự tính những thất thoát sau thu hoạch khoảng 10-30%: do bảo quản không đúng cách, do côn trùng hay chim chóc. Vì thế, họ đã phát triển nhiều dụng cụ rẻ tiền như nhiệt kế hồng ngoại để giúp nông dân trồng lúa giảm thiểu thất thoát.

Những thành công gần đây trong phát triển giống lúa Swarna Sub-1 cũng mang lại nhiều hi vọng. Giống lúa này có thể sống đến 17 ngày dưới nước, đặc biệt thích hợp cho những quốc gia thường xuyên bị ngập lụt như Bangladesh hay Ấn Độ. Một kỹ thuật trồng lúa mới cần ít hơn 25% lượng nước cũng đang được phát triển, có thể áp dụng cho những vùng đất khô hạn, giúp ích cho các nhà nông ở Úc thường xuyên phải chịu đựng hạn hán.

Lần theo dấu vết của tiến hóa

Một dự án quốc tế khác vừa nhận được số tiền tài trợ 11 triệu USD từ Quỹ Bill & Melinda Gates để tạo ra giống lúa mới có khả năng thực hiện quang hợp C4. Quang hợp ở thực vật C4 có hiệu suất cao hơn 50% so với thực vật C3 như lúa. Một vài loài như bắp hoặc mía đã phát triển từ C3 sang C4 đạt hiệu suất cao trong quá trình tiến hóa.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết được thiên nhiên đã làm điều đó như thế nào. Vì thế, trước tiên họ muốn biến đổi những thực vật C4 như lúa trở về thực vật C3 để so sánh với giống lúa thông thường. “Nếu như chúng tôi khám phá được những gen nào gây ra thay đổi này và tạo được một giống lúa C4 thì có thể sản xuất thêm 50% gạo” - nhà khoa học John E. Sheehy của IRRI tin như vậy. Ông chính là người đang thúc đẩy dự án nghiên cứu C4.

Cũng như phần lớn đồng nghiệp, ông Sheehy cho rằng những quan ngại về công nghệ biến đổi gen chỉ là lo âu vô cớ. “Chúng tôi đang lần theo dấu vết của tiến hóa - ông nói - Và cuối cùng cũng không còn khả năng nào khác để tăng sản xuất lương thực một cách có hiệu quả”.

Nhà khoa học nông nghiệp Achim Dobermann cũng cùng quan điểm: “Chúng tôi chỉ giúp sự tiến hóa diễn ra nhanh hơn mà thôi. Những việc mà chúng tôi có thể thực hiện trong vòng vài năm thì thiên nhiên lại cần đến hàng triệu năm. Và bây giờ chúng ta không còn thời gian nữa”.

PHAN BA (Theo Spiegel Wissen)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét