Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

Gạo Việt - (gaoviet, gaovietnam, gaovn)


TT - Mùa hè năm 1989, cảng Sài Gòn đông vui khác thường. Những lô gạo đẫm mồ hôi nông dân Việt đầu tiên chính thức xuất khẩu. Ông Trần Thế, cựu công nhân bốc dỡ cảng, nhớ lại vẫn xúc động: “Khi được lệnh bốc gạo xuống tàu tụi tôi ngạc nhiên lắm. Có người còn hỏi có nhầm lẫn gì không? Trước đó toàn là bốc gạo, bo bo nhập cứu đói từ tàu lên bờ chứ có mấy khi bốc gạo xuống tàu để chở đi đâu”.

Thực tế đến năm 1988 Việt Nam vẫn nhập khẩu lương thực. Ngày 23-8-1989 hạt gạo Việt bắt đầu ra chợ quốc tế.

Những lô gạo xuất khẩu đầu tiên

Nhớ lại lô gạo đầu tiên được mình xuất đi, ông Hoàng Hữu Phước, tổng giám đốc Công ty cổ phần doanh thương Mỹ Á, vẫn vui như mới bán được hàng Năm 1989, ông Phước đang làm phó trưởng đại diện Công ty Cimmco International thuộc Tập đoàn kỹ nghệ Birla (Ấn Độ) chuyên xuất vào VN các sản phẩm như thép, dược liệu, lốp xe tải, nguyên liệu, thiết bị ngành dệt và mua nông sản VN xuất đi các nước. Lúc đó, Chính phủ Ấn Độ giao Birla chỉ đạo Cimmco mua 10.000 tấn gạo 35% tấm của VN. Ông Phước được giao nhiệm vụ tìm kiếm những nhà cung cấp gạo trong nước.

Biết tin Cimmco cần mua gạo VN, rất nhiều công ty từ miền Bắc, Trung, Nam đến liên hệ với ông Phước để bán gạo, thậm chí nhiều công ty còn cử người “đi đêm”. Rốt cuộc ba công ty được chọn cung ứng gạo cho Cimmco là Tổng công ty Xuất nhập khẩu Bộ Thương mại (Generalimex), Công ty Xuất nhập khẩu TP.HCM (Imexco TP.HCM) và Công ty Xuất nhập khẩu Đồng Tháp (Imexco Đồng Tháp) lại là những đơn vị không tiếp xúc trước đó với ông Phước.

Sau khi hợp đồng ký vào ngày 8-7-1989, việc xuất khẩu gạo gặp khó khăn vì nhiều vấn đề phát sinh. Đầu tiên là kỹ thuật thanh toán qua ngân hàng. Đây là một trong những hợp đồng xuất khẩu gạo đầu tiên của VN thanh toán qua tín dụng thư (L/C). Các nước lúc đó còn e ngại về sự bảo đảm của ngân hàng VN. Khi Cimmco mở L/C tại Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank), họ yêu cầu phía VN phải mở một tài khoản bảo đảm tại một ngân hàng quốc tế khác. Phải đàm phán mãi công ty đó mới chấp thuận bỏ điều kiện này.

Tuy có thời điểm lượng gạo VN xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nông nghiệp, lũ lụt, nhưng giai đoạn 1989-2008 Việt Nam xuất khẩu bình quân hằng năm trên 3 triệu tấn gạo, với 205 doanh nghiệp và 128 thị trường. Xuất khẩu gạo đạt 5,2 triệu tấn vào năm 2005. Theo Hiệp hội Lương thực VN, dự kiến năm 2009 xuất gạo đạt 6-6,2 triệu tấn, cao nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo VN.

Ban đầu phía Ấn Độ muốn thuê đơn vị SPS (kiểm dịch) nước ngoài làm. Sau đó ông Phước tác động họ thuê phía VN là Công ty Giám định hàng hóa xuất nhập khẩu Vinacontrol, nhưng với những yêu cầu mà Vinacontrol chưa đáp ứng ngay được. Vì vậy Cimmco phải tổ chức một lớp tập huấn kéo dài một tuần tại khách sạn Majestic để tám thành viên của Vinacontrol gồm lãnh đạo và chuyên viên nghe báo cáo về yêu cầu giám định lô gạo này.

Rồi việc thuê tàu đảm bảo yêu cầu như hầm hàng trước đó không được chở hóa chất là thách thức cho Cimmco trong lúc VN vẫn còn bị Mỹ cấm vận. Sau cả tháng tìm kiếm, Cimmco cũng được tàu Sea Jade, cắm cờ Liberia, tải trọng 10.000 tấn, nhận chở hàng. Và ngày 23-8-1989 đánh dấu sự kiện với hạt gạo Việt đã đến khi tàu Sea Jade rời bến đem theo 10.000 tấn gạo 35% tấm của VN với giá 235 USD/tấn sang Ấn Độ.

20 năm sau nhắc lại chuyến hàng ấy ông Phước vẫn hào hứng: “Cảnh vận chuyển gạo xuống tàu nhộn nhịp làm tôi không bao giờ quên. Trên đất liền, gạo từ các xe tải nối đuôi nhau chuyển xuống, dưới sông sà lan chở gạo từ ĐBSCL áp vào nườm nượp đẩy hàng lên. Mọi người làm việc cả ngày đêm”.

Lực đẩy cho nông nghiệp

Ngày trọng đại đó ở cảng Sài Gòn không được người sản xuất hạt gạo chứng kiến nhưng tin vui đã nhanh chóng xuống nông dân. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, nhớ lại bận đó nhiều nông dân túm tụm hỏi nhau: “Xuất khẩu thiệt hay là tuyên truyền vậy ta? Liệu giống mấy năm đói mà cán bộ lại báo cáo sản xuất dư lúa gạo không?”. Khi tin này được xác nhận và đặc biệt là giá gạo nhích lên rõ, nông dân hồ hởi lắm.

Ông Nhị kể khi còn làm giám đốc Sở Nông nghiệp An Giang, ông đi thực tế thấy nông dân hừng hực khí thế ra ruộng mà vui lây với họ. “Tui nhớ mãi hình ảnh lão nông ở Phú Tân mải mê làm việc bỏ cả nghỉ trưa. Ông đổ mồ hôi san mặt ruộng và làm lại bờ bao nham nhở như cóc gặm hồi còn để trong tập đoàn. Tháng sau tui quay lại thấy thửa ruộng đó đã xanh mướt màu lúa”.

Trên chợ gạo thế giới, sự có mặt bất ngờ của gạo Việt làm nhiều nước ngạc nhiên. Đến năm 1987, VN vẫn còn thiếu lương thực tới mức phải qua Indonesia mượn 100.000 tấn gạo. Ông Võ Hùng Dũng, người giữ chức giám đốc Imexco Đồng Tháp khi đó, hiện là giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết VN bất ngờ xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo năm 1989 đã tác động sâu đến thị trường gạo thế giới. Từ mức giá 250 USD/tấn (gạo 25% tấm), từ tháng 7-1989 giá gạo giảm liên tục, phải đến giữa năm 1990 thị trường gạo thế giới mới hồi phục.

Ở Hậu Giang, thương lái Huỳnh Thị Hồng Lệ kể những ghe hàng xáo nhỏ cũng nhanh chóng được tác động từ xuất khẩu gạo: “Hồi trước chủ yếu chỉ mua gạo nông dân để bán loanh quanh cho người ở phố. Giá gạo lên xuống chút đỉnh tùy vào năng suất và sức tiêu thụ trong nước.

Gạo bán được ra chợ nước ngoài đã kéo giá mua tại đồng từ 350 đồng/kg năm 1989 lên 900 đồng/kg năm 1990 và hơn 1.000 đồng/kg năm 1991”. Bà Lệ kể thêm phong trào nông dân xây nhà gạch, cho con lên thành phố học, rồi tích tụ ruộng đất một phần lớn cũng nhờ hạt gạo đi nước ngoài.

Hành trình hạt gạo Việt ra nước ngoài đã nhanh chóng tác động sâu đến từng thân phận nông dân với thửa ruộng, luống cày. Họ nở nụ cười hứng khởi ra đồng lúc giá gạo tăng lên.

QUỐC VIỆT - TRẦN MẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét