Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giống lúa trị giá 10 tỉ đồng của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm nguyên phó viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp (Trường ĐH Nông nghiệp 1, Hà Nội) với một công ty tư nhân đã khiến xôn xao dư luận. Ở tuổi 66, dù đã nghỉ hưu nhưng PGS-TS Nguyễn Thị Trâm vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi cho ra những giống lúa mới tốt nhất cho nông dân...
Cả đời gắn với cây lúa nhưng PGS-TS Nguyễn Thị Trâm lại sinh ra trong gia đình mà cả bố mẹ lẫn tám anh chị em không ai theo nghề nông. Học tại Trường ĐH Nông nghiệp và tốt nghiệp năm 1968, bà về công tác ở Viện Cây lương thực và thực phẩm. Chính nơi đây, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm đã được cố giáo sư (GS) nông học Lương Định Của hướng dẫn, dìu dắt để có những thành công sau này.
Ngay trong những ngày mới về viện, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm đã nghiên cứu, tìm hiểu cho ra đời nhiều giống lúa mới, được phổ biến rộng rãi như NN-9, NN-10, NN-23, NN-75-6... Năm 1985, sau khi học tại Viện Nghiên cứu lúa của Liên Xô (cũ), bà chuyển về Trường ĐH Nông nghiệp 1 làm công các giảng dạy. Nhưng chỉ giảng dạy mà không nghiên cứu thì rất phí kiến thức, nên PGS-TS Nguyễn Thị Trâm vừa lên lớp vừa chia sẻ thời gian cho gia đình, cho cây lúa, bà cùng các cộng sự cho ra đời nhiều giống lúa mới có năng suất cao. Bị thuyết phục bởi sự say mê, tinh thần làm việc nghiêm túc của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm, năm 1993, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lúc đó, ông Nguyễn Công Tạn, đã ký quyết định cử bà đi học tại Trung Quốc, đất nước nổi tiếng với rất nhiều giống lúa lai ba dòng. PGS-TS Nguyễn Thị Trâm cho biết lúc đó bà được cử đi học tại trung tâm lúa lai Hồ Nam, do đích thân GS Viên Long Bình, một nhà nông học nổi tiếng Trung Quốc và thế giới về lúa lai, giảng dạy. Say mê nghiên cứu, lại được tiếp cận với rất nhiều kiến thức quý nên ngay khi về nước, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm bắt tay tìm hiểu bí mật công nghệ của lúa lai hai dòng.
Bắt đầu với 9.000 USD
Những ngày đầu (1994), công trình nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm và các cộng sự chỉ được cấp kinh phí 9.000 USD, nhưng khi hiểu rõ tầm quan trọng của công trình, kinh phí Nhà nước cấp cho việc nghiên cứu hoàn thiện giống lúa lai hai dòng ngày càng lớn. Đáp lại sự tin tưởng này, kết quả mà PGS-TS Nguyễn Thị Trâm cùng các cộng sự của bà đạt được nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Dựa vào những kiến thức đã tích lũy qua hàng chục năm nghiên cứu cây lúa cùng những kiến thức quý báu thu nhận được, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm đã tìm kiếm trong hàng trăm giống bản địa và ngoại nhập, tiến hành nhiều hướng nghiên cứu khác nhau để thử nghiệm. Cuối cùng bà cũng đã thành công khi tìm ra loại giống thích hợp có loại gien lặn, bất dục đực, di truyền nhân mẫn cảm với nhiệt độ - TGMS (thermosensitive genic male sterility). Đây là loại giống bất dục theo nhiệt độ, cụ thể nhiệt độ dưới 24oC thì cây lúa hữu dục, nhiệt độ trên 24oC thì cây lúa bất dục, một đặc điểm rất phù hợp với các thời vụ sản xuất của nông dân đồng bằng sông Hồng. Từ dòng gien mới tìm ra, rất nhiều tổ hợp lúa lai hai dòng “cùng mẹ khác cha” như TH3-4, TH3-5, TH3-11, TH5-1, TH6-3, TH2-3... đã ra đời.
PGS-TS Nguyễn Thị Trâm cùng các cộng sự phát hiện giống lúa lai TH3-3 từ năm 2001, sau hơn bốn năm nghiên cứu, TH3-3 chính thức được công nhận hiệu quả và được cấp chứng nhận bản quyền. PGS-TS Nguyễn Thị Trâm cho biết từ năm 2005 cho đến cuối tháng 5-2008, giống lúa TH3-3 đã được bà cung cấp cho thị trường giống ở nhiều địa phương, đạt kết quả khá cao (từ 600 – 1.000 tấn hạt lai/năm, năng suất năm sau cao hơn năm trước khoảng 20%). Đến nay, diện tích cấy đã tăng lên 20.000 – 30.000 ha. Bên cạnh số lượng 6 tấn giống do bà trực tiếp cung cấp, đã có thêm 21 tấn giống TH3-3 nữa được các công ty giống cây trồng cung cấp được gieo trồng vào vụ mùa năm đó. Để được công nhận là giống cây quốc gia, các sở nông nghiệp đã gửi công văn yêu cầu PGS-TS Nguyễn Thị Trâm phải bảo lãnh kết quả sản xuất cho cả các công ty giống ngang bằng với giống Bắc ưu 64. “Thật đúng là như đánh bạc”- PGS-TS Nguyễn Thị Trâm tâm sự. Đánh bạc, bởi năm đó, hai cơn bão liên tiếp đổ vào Nam Định, nơi giống lúa mới được gieo trồng trên diện tích hơn 1.000 ha. Cơn bão thứ nhất đổ bộ vào ngày 17 và 18-9, trong khi đó chỉ vài ngày trước, bà đã gửi giấy mời Cục Nông nghiệp, Trung tâm Khảo nghiệm định ngày 22-9 tham dự hội nghị đầu bờ để công nhận giống quốc gia. Cả một cánh đồng rộng hơn 140 ha ở xã Nghĩa Hưng, nơi sẽ diễn ra hội nghị, phải chống chọi với gió bão trong hai ngày. May mắn là lúa còn xanh, lại là giống thân lùn nên thiệt hại không đáng kể. Cơn bão thứ hai tràn về đúng vào lúc lúa đã chín. Sau cơn bão này, lúa rụng nhiều nhưng may mắn là kết quả sản xuất đạt 4,2 tấn, hơn gấp đôi sản lượng của giống Bắc ưu 64 trên cùng diện tích gieo trồng.
Và hợp đồng trị giá 10 tỉ đồng
Ông Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân, nơi đã ký hợp đồng mua giống lúa TH3-3 của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm với giá 10 tỉ đồng, cho biết sở dĩ ông mua đứt bản quyền TH3-3 với giá kỷ lục là vì ông nhìn thấy tiềm năng rất lớn của giống lúa này với những ưu điểm như: thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, cho chất lượng gạo ngon. Sau mỗi mùa vụ, khách hàng của công ty cũng tăng lên rất nhiều. Ban đầu, hợp đồng mua bản quyền dừng lại ở con số 3 tỉ đồng, sau nâng lên 5 tỉ đồng rồi chốt lại là 10 tỉ đồng vào tháng 6-2008.
Đã vào tuổi cần nghỉ ngơi, nhưng PGS-TS Nguyễn Thị Trâm vẫn làm việc liên tục. Bà bảo, khi còn sức khỏe, còn kiến thức, còn làm việc được thì hãy cứ làm. Nông dân mình nghèo, giúp được họ thoát khỏi nghèo, thực sự là niềm hạnh phúc.
Việt Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét