Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej đã kêu gọi sự quan tâm của quốc tế với vấn đề khủng hoảng lương thực bằng một kế hoạch liên quan đến việc thành lập một kênh phân phối gạo quốc tế, bắt đầu bằng cuộc họp giữa các nước xuất khẩu gạo hàng đầu.
Đề xuất này hướng đến các nước xuất khẩu gạo chủ chốt trên thế giới như Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, và Trung Quốc. Theo đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia này sẽ giúp bình ổn giá gạo đang ở mức cao ngất ngưởng như hiện nay. Tính trung bình giá gạo đã tăng 62% chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, trong khi đó giá một số loại gạo đã tăng 100%.
Ông Yong Chanthalansy, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Lào, cho biết, đề xuất này rất đáng quan tâm, chính phủ Lào sẽ "nghiêm túc cân nhắc" sự ủng hộ cho đề xuất này của Thái Lan để hi vọng có thể nhận được ưu tiên nhất định về giá cả sau này. "Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là giúp nông dân trong nước, cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Chúng tôi thực sự quan tâm đến đề xuất này vì đất nước chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào các kênh phân phối quốc tế", ông Yong nói.
Phát ngôn viên của chính phủ Campuchia - Khieu Kanharith cũng cho biết, chính phủ nước này hoan nghênh ý tưởng của Thái Lan và khẳng định nó sẽ giúp đỡ rất nhiều trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng lương thực. Campuchia cho rằng, bằng cách thành lập một hiệp hội các nước xuất khẩu gạo, thế giới có thể ngăn chặn cơn bão giá và trao đổi thông tin về vấn đề an ninh lương thực.
Bên cạnh đề xuất của Thái Lan, Liên Hợp Quốc cũng đã thành lập "Nhóm Hành động" chống khủng hoảng lương thực toàn cầu trong tuần vừa qua, do giá gạo thế giới nói riêng và giá lương thực thực phẩm nói chung vẫn tiếp tục tăng, khiến nguy cơ chết đói của hàng trăm triệu người trên thế giới đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Hải Minh (Theo CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét