Công nghiệp hóa có thể làm mất 300 ngàn hecta đất lúa từ nay đến 2020. Trong khi đó, vai trò của cây lúa trong 10 năm tới rất quan trọng.
Một trong những hoạt động quan trọng tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất là hội thảo khoa học “Cây lúa Việt Nam”, tổ chức sáng 1/12, tại thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng.
Các nhà nghiên cứu đã thẳng thắn nhìn nhận những “vấn đề” trong nền sản xuất lúa gạo của Việt Nam và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ…
Thách thức gay gắt
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, thách thức lớn nhất đối với sản xuất lúa gạo Việt Nam hiện nay là vấn đề nước biển dâng do biến đổi khí hậu làm thiếu nước ngọt, diện tích đất nhiễm mặn tăng lên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, trong khi khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày một nặng nề.
GS Bửu cho biết, công nghệ hạt giống ít được đầu tư; chính sách hợp lý thúc đẩy công nghệ hạt giống phát triển cũng chưa có trong khi bộ giống lúa đang sản xuất trên đồng ruộng VN chất lượng không cao nên tính cạnh tranh của hạt gạo VN thấp.
Ở góc độ khác, PGS-TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng khiếm khuyết lớn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa ở VN, chính là kiểu thu hoạch thủ công và yếu kém trong công nghệ sau thu hoạch.
“Thu hoạch thủ công gây thất thoát lớn. Thêm vào đó là công nghệ sấy lạc hậu, phương tiện sấy còn quá ít nên lúa thu hoạch về không được bảo quản kịp thời, nhất là trong mùa mưa, dẫn đến phải xay xát lúa ở ẩm độ cao (15-17%) khiến tỷ lệ tấm (gạo nát) cao nên mất giá…”, ông Chín nói.
Một số chuyên gia khác cho rằng mức thu thập của người làm ruộng hiện nay ở VN quá thấp trong khi tốc độ “đô thị hóa” lại nhanh làm làn sóng “ly nông” ngày càng tăng khiến lao động nông nghiệp ngày một thiếu. Trong bối cảnh nền sản xuất nông nghiệp có trình độ cơ giới hóa chưa cao như VN, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản xuất và thu hoạch.
Nhìn rộng hơn, theo một số nhà nghiên cứu, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng sẽ đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới. Việt Nam, với tư cách là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đang đứng trước sức ép đòi giảm bớt trợ cấp nông nghiệp và mở cửa thị trường cho hàng hóa nông sản.
Giữ đất cho… lúa
Các nhà nghiên cứu cho rằng vai trò của cây lúa trong 10 năm tới ở Việt Nam sẽ ngày càng quan trọng. Theo đánh giá của các chuyên gia, gạo là tiềm năng số 1 của Việt Nam hiện nay và có thể kéo dài đến năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng này.
Chính vì vậy, những thách thức đặt ra trong quá trình sản xuất lúa gạo cần phải được nhìn nhận và giải quyết một cách thấu đáo.
Xuất phát từ việc tỷ lệ cơ giới hóa trong nền sản xuất lúa Việt Nam còn thấp, ông Nguyễn Duy Đức, Giám đốc Phân viện thuộc Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT), đề xuất: Cần có các cơ chế chính sách thích hợp nhằm thúc đẩy xây dựng các công trình thủy lợi, thúc đẩy việc ”dồn điền đổi thửa”, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn.
Bên cạnh đó, theo ông Đức, VN cũng cần có các chính sách thích hợp để hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư chế tạo máy móc thiết bị, nhằm đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa sản xuất lúa, góp phần thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
PGS-TS Dương Văn Chín thì kiến nghị đầu tư tuyến đê bao vĩnh cửu dọc Biển Đông và Biển Tây để kết hợp cả giao thông; hình thành lớp rừng ngập mặn rộng một vài cây số bên ngoài đê; duy trì ranh giới giữa đất liền và biển của lãnh thổ Việt Nam về lâu về dài, ngay trong hoàn cảnh nước biển dâng cao.
Vị PGS-TS này cũng đề nghị nên sắp xếp lại thời vụ một cách khoa học, bỏ vụ lúa xuân hè; đẩy mạnh việc sản xuất gạo sạch.
Cũng đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng "phải giữ lúa để đảm bảo an ninh lương thực". Theo dự báo, quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam có khả năng sẽ làm mất 300 ngàn hecta đất lúa từ nay đến 2020. Vì vậy, việc đầu tiên là phải có giải pháp bảo vệ quỹ đất trồng lúa và sử dụng hiệu quả quỹ đất này.
Bên cạnh đó, theo ông Bổng, phải có chính sách đầu tư tốt nhất cho hạ tầng nông thôn ở vùng đất trồng lúa. Cụ thể, ngoài thủy lợi, giao thông, nên chú ý đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch; kiến thiết lại đồng ruộng; có chính sách hỗ trợ cao nhất cho nông dân.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng nhấn mạnh: Ngoài hai vựa lúa trọng điểm là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, phải có chiến lược phát triển nông nghiệp ở các vùng khác, như ở Tây Nguyên… Mặt khác, phải gấp rút nghiên cứu tạo ra giống lúa có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu.
“Hiện nay năng suất lúa bình quân của VN đã đạt 5,3 tấn/ha. Từ một nước thiếu lương thực triền miên đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai thế giới, đem về cho đất nước gần 20 tỉ USD. Ngoài ra, VN còn cử chuyên gia đi hướng dẫn nhiều nước châu Phi trồng lúa nước. Trong dịp festival này, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu đậm đến những người trồng lúa tài năng của nước ta”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ khai mạc Festival lúa gạo.
Theo Thủ tướng, tiềm năng phát triển, sản xuất, kinh doanh lúa gạo VN còn rất lớn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém, hiệu quả chưa cao. Đời sống của người trồng lúa còn nhiều khó khăn. Sản xuất lúa gạo đối diện nhiều nguy cơ, thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà VN là một trong số ít nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Chính vì thế Đảng, Nhà nước và nhân dân phải nỗ lực khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”, đảm bảo đời sống của người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực.
Hồng Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét