Khoảng 5 năm gần đây, xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục tăng và đứng thứ hai trên thế giới. Năm 2005, cả nước xuất trên 5,2 triệu tấn gạo thu về 1,399 tỷ USD. Giá trị hạt gạo từng bước được nâng lên nhưng thực tại vẫn còn thấp hơn Thái Lan bình quân khoảng 40 USD/tấn.
Khó khăn về giống
Để nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam, mới đây Bộ NN- PTNT chủ trương sản xuất 1 triệu tấn lúa chất lượng cao (CLC) phục vụ xuất khẩu. Theo đó, 7 tỉnh ĐBSCL được chọn làm vùng chuyên canh gồm: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang và TP Cần Thơ, mỗi tỉnh quy hoạch 30.000ha và thực hiện ngay trong vụ đông xuân 2006-2007.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, để chương trình đạt kết quả cao, các địa phương phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Tất cả các khâu như giống, quy hoạch vùng chuyên canh, hợp đồng bao tiêu… cần làm gấp rút.
Thạc sĩ Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang tỏ ra phấn khích với chương trình này, bởi làm được vùng chuyên canh sẽ nâng chất lượng hạt gạo lên rõ rệt và giá trị xuất khẩu sẽ tăng theo. Từ suy nghĩ đó, Kiên Giang chọn 5 huyện, thành phố triển khai thực hiện 30.000 ha lúa chất lượng cao; tuy nhiên, mới khởi đầu đã gặp trở ngại.
Ông Củi băn khoăn: “Khâu giống hiện đang có vấn đề, các loại giống mà Bộ NN- PTNT đưa ra thì các huyện không có, còn giống hiện có thì lại không cần!”. Theo quy định, các bộ giống phải đảm bảo tiêu chuẩn gạo độ dài tối thiểu 6,2mm, trung bình 6,5mm, hạt trong, xay trắng, đồng đều, tỷ lệ bạc bụng không quá 4%…
Tiến sĩ Phạm Sĩ Tân, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nói: “Hiện tại, 3 loại giống có thể sử dụng ngay là IR 64, VND 95-20, OMCS 2000. Bên cạnh đó, tiếp tục thử nghiệm các giống OM 2517, OM 2717, OM 2718, nhưng phải tùy vào nhu cầu của đối tác nhập khẩu”.
Giá sàn bao tiêu là bao nhiêu?
Đây chính vấn đề mà các địa phương lo ngại. Ông Nguyễn Văn Năm, ở Châu Thành (Kiên Giang) bức xúc: “Trồng lúa CLC tốn công và chi phí nhiều hơn lúa thường, công ty không bao tiêu với giá cao thì không ai dám làm”.
Anh Nguyễn Văn Đời, Phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bình Thành (Lấp Vò, Đồng Tháp) cho rằng: “Chuyện bao tiêu và thu mua theo yêu cầu các công ty khó ai làm được. Họ đưa ra hàng loạt tiêu chuẩn, hạt lép, hạt lẫn, độ ẩm… nông dân không ai biết. Nếu gặp thời điểm lúa rớt giá thì họ “hành dân” đến ngất ngư! Ngoài ra, công ty còn buộc phải giao hàng tại kho, nhưng không hỗ trợ chi phí vận chuyển thì HTX đành chịu!”.
Sở NN-PTNT Tiền Giang tính toán, 30.000ha lúa CLC sẽ quy hoạch ở 5 huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo và Gò Công Tây. Dự kiến chọn những HTX làm đầu mối, nhưng cái khó là giá cả bao tiêu và quy cách thu mua chưa thống nhất thì không thể làm được.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều nông dân và các địa phương tỏ ra dè dặt với chương trình 1 triệu tấn lúa CLC. Còn nhớ cách đây vài năm, ngành lương thực triển khai bao tiêu lúa hàng hóa ở ĐBSCL; cuối cùng bỏ nông dân “tự bơi” khi giá lúa rớt!
Mặt khác, cần lưu ý rằng nông dân ĐBSCL có thói quen thu hoạch lúa xong là bán tại ruộng và lấy tiền ngay. Cách làm này, hầu hết các công ty lương thực không theo được, mà chỉ có giới thương lái mới “mua tận nơi và bán tận gốc”. Do đó, vai trò thương lái trong việc thu mua là không thể xem nhẹ.
Trong lúc chúng ta loay hoay với chương trình lúa CLC thì tiến trình hội nhập AFTA và WTO không còn chờ. Giáo sư, tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cảnh báo: “Khi hội nhập, gạo thơm của Thái Lan, Ấn Độ… sẽ tràn vào Việt Nam gây khó khăn không nhỏ. Vấn đề cấp bách là phải sản xuất nhiều loại gạo thơm ngon, đủ sức cạnh tranh cả 3 mặt, chất lượng-giá cả-thương hiệu"
(theo SGGP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét