Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2009

Tạo nên danh tiếng lúa gạo Camargue

Lần đầu tiên nước Pháp vinh danh những người lính thợ Việt:

TT - Buổi lễ tôn vinh chín người Việt đã diễn ra trang trọng và cảm động tại phòng khánh tiết của tòa thị chính thành phố Arles (Pháp) vào ngày 10-12. Họ thuộc trong số ít ỏi những người lính thợ còn sống, dù vào năm 1939 từng có đến 20.000 thanh niên trai tráng người Việt sung lính thợ.

Thị trưởng thành phố Arles, ông Hervé Schiavetti (phải) tặng huy chương cho một người lính thợ Việt sáng 10-12 - Nguồn: Flickr.com

70 năm trước, những thanh niên trai tráng Việt được chiêu mộ sang Pháp để làm lực lượng sung công trong Thế chiến thứ 2. Lịch sử đẩy đưa để một số không thể trở về quê hương. Nhưng họ đã đem đến cho nước Pháp kỹ thuật trồng lúa nước của người Việt...

“Các ông đã đem lại cho chúng tôi món quà tuyệt vời nhất. Vùng Camargue giờ đây có 20.000ha lúa nước và đây là thứ lương thực không hề mất giá”. Vị phó chủ tịch Liên đoàn nông dân trồng lúa ở Camargue, miền nam nước Pháp, gửi lời cảm ơn chân tình đến những người Việt từng là lính thợ năm 1939.

Chào cờ ở trại Venissieux, ảnh chụp năm 1943 - Ảnh của ông Phạm Văn Nhân

Những người lính thợ làm việc trong xưởng đạn pháo ở Pháp

Lính thợ Việt Nam cấy lúa ở Camargue - Ảnh của ông VŨ QUỐC PHAN

Chuyện chưa từng có

“Các ông đã đem lại cho vùng đất này sự giàu có, chúng tôi xin chân thành cảm ơn vì điều đó” - thị trưởng thành phố Arles, ông Hervé Schiavetti, nói trước cử tọa gồm những người lính thợ, những người bạn Pháp yêu quý Việt Nam trước khi trao huy chương của thành phố cho chín người đàn ông Việt Nam.

Nhiều phương tiện truyền thông ở Pháp nhìn nhận đây là sự kiện chưa từng có bởi lẽ hơn 60 năm qua, nhiều chính quyền ở Pháp muốn né tránh việc nhìn nhận công sức của những người lính thợ và lính tập Việt Nam đóng góp cho nước Pháp. Ông Gilles Manceron, nhà sử học kiêm phó chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền, nói với báo La Provence: “Theo hiểu biết của tôi, đây là lần đầu tiên có một địa phương vinh danh theo cách này. Đây là sự kiện đầu tiên ở nước Pháp. Cho đến lúc này, nước Pháp chỉ giữ thái độ vờ như không biết hoặc khinh bỉ. Con đường dẫn đến việc tôn vinh như ngày hôm nay quả thật là dài và khó khăn”.

Nhưng sự thật lịch sử không thể chối bỏ. Bởi vẫn còn đó những con người thật việc thật, những hậu duệ của họ và những tư liệu không thể chối cãi. Trong buổi lễ diễn ra ngày 10-12, hầu hết những người đến dự đều đem theo tư liệu hoặc những tấm ảnh thời xưa. Có những người đến không chỉ để chia vui mà còn để tìm hiểu gốc gác cha mình. Chuyên gia tin học Serge Đặng Hà 55 tuổi nhớ lại: “Cha tôi qua đời khi tôi mới lên chín. Tôi phải vào sống trong trại mồ côi. Chỉ đến gần đây tôi mới đặt ra những câu hỏi về gốc gác của cha mình”.

Những người lính thợ Việt ngồi bên trái lắng nghe thị trưởng Hervé Schiavetti phát biểu tại buổi lễ trao huy chương ở tòa thị chính Arles - Ảnh: Flickr

Những ngày gian khó

Câu chuyện của những con người được vinh danh là câu chuyện của một thời trai trẻ đầy nhiệt huyết, ưa khám phá và cả bồng bột. Ông Phạm Văn Nhân, từng là thông dịch viên của nhóm lính thợ, nhớ lại: “Lúc đó tôi thấy hạnh phúc khi được khám phá nước Pháp, đất nước mà tôi chỉ biết qua sách vở. Nhưng khi đặt chân đến Marseille, nơi ở của chúng tôi lại là nhà tù Baumettes”.

Trong số 20.000 lính thợ được đưa sang Pháp, 1.000 người đã bị chuyển đến Camargue để làm lúa và làm muối. Sau chiến tranh, phần lớn trong số họ hồi hương. Nhưng khoảng 1.000 người đã thiệt mạng trên đường đi và 1.000 người quyết định ở lại nước Pháp vì nhiều lý do. Hiện trong số lính thợ ấy chỉ còn khoảng 100 người sinh sống ở Việt Nam và 10 người còn sống ở Pháp.

Nhà tù lúc đó vừa xây xong nên được trưng dụng làm chỗ ở tạm cho những người lính thợ trước khi họ được phân chia đi khắp các xưởng vũ khí của Pháp. Cứ sáu người chui rúc trong một buồng giam chật hẹp. Họ bắt đầu vỡ mộng thật sự sau một tháng lênh đênh trên biển, “nằm như cá mòi dưới hầm tàu” từ Việt Nam sang Pháp.

Tiếp đó là những tháng ngày bán sức lực trong các xưởng vũ khí độc hại và nguy hiểm. Họ - những người lính thợ Việt Nam - phải làm những công việc nguy hiểm và độc hại nhất trong các công xưởng ấy với mức lương “chỉ bằng 1/10 lương trung bình của công nhân Pháp” (www.travailleurs-indochinois.org).

Năm 1941, chiến tranh lan sang châu Á nên nước Pháp mất nguồn cung cấp gạo. Chính phủ Vichy quyết định mở khu trồng lúa ở Camargue và trưng dụng 500 lính thợ Việt. Ông Lê Văn Phu, người từng phải trồng lúa và làm muối ở Giraud, kể lại: “Kẻ thù của chúng tôi không chỉ là muỗi mòng mà còn là sự đói khát, thiếu thốn quần áo, giày vớ và nhất là nỗi nhớ quê nhà”. Thế nhưng, vốn là những nông dân chân chất, họ đã lao vào làm việc và gầy dựng nên những đồng lúa xanh mượt ở Camargue - nơi người Pháp trước đó từng trồng lúa nhưng chỉ nhằm mục đích ngọt hóa các cánh đồng bị nước mặn xâm lấn. Năm 1942, khi có bàn tay những người lính thợ Việt, người ta đã thu hoạch được 180 tấn lúa và hai năm sau lên đến 2.200 tấn.

Những người lính thợ Việt đã làm thay đổi một vùng quê nước Pháp, nếu không muốn nói là làm giàu cho người dân ở đấy nhưng họ đã không được đối xử và trả công xứng đáng. Đã có những tiếng nói phản ứng từ những người lính thợ giờ đây bước sang tuổi 90. Thậm chí có người như ông Lê Hữu Thọ đã không kịp đến dự lễ tôn vinh vì ông đã qua đời vào tháng 9 vừa qua.

Tuy vậy bài diễn văn mà ông chuẩn bị để đọc trong buổi lễ đã được con gái ông, bà Myriam Le Hữu, đọc thay cha. Ông Thọ viết: “Giờ đây tôi đã vất hết xuống sông Rhône mọi nỗi oán giận lẫn thất vọng”. Tuy vậy ông không quên nhắc lại những gì mình đã tranh đấu trong những năm cuối đời: “Nhiều người dân Arles đã làm giàu từ lúa gạo. Và cho đến năm nay (2009), cứ đến mùa lễ hội lúa gạo, tôi đều yêu cầu người ta phải nêu tên những người lao động Việt Nam nhưng câu trả lời luôn là “để sang năm tính xem sao’”.

Ông Thọ đã kịp vất những nỗi buồn xuống dòng sông nước Pháp để thanh thản ra đi. Có lẽ giờ đây nơi chín suối, ông cũng có thể mỉm cười khi thị trưởng Hervé Schiavetti tuyên bố khi trao huy chương: “Đây là sự thừa nhận dù chậm trễ nhưng thật lòng và đích thực”.

THANH LIÊM tổng hợp

“Cái đói, cái khát và những nỗi khổ nhục”

Những người tưởng chừng biết rõ lịch sử Thế chiến thứ 2 hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết về sự tham gia của 20.000 lính thợ người Việt và 15.000 lính tập gốc nông dân được huy động để hỗ trợ nước Pháp trong cuộc chiến những năm 1939-1940. (...) Giờ đây chẳng ai còn nhớ về chuyện đó...

Sau khi Pháp đầu hàng vào tháng 6-1940, chúng tôi, 20.000 người, bị phó mặc trước khi tìm được đường đến vùng Provence và Midi-Pyrénées, nơi khí hậu dễ chịu hơn. Hồi năm 1939, tôi mới 20 tuổi và là một trong những thông dịch của lính thợ. Tôi cũng chịu cùng số phận hẩm hiu của họ: đói khát, nghèo túng, bị sỉ nhục, bị đối xử thậm tệ và bị dằn vặt vì nỗi nhớ quê nhà. Tôi thuộc trong số 10% lính thợ và lính tập người Việt chọn lựa ở lại Pháp. Hơn 1.000 người đã chết ở đất nước này, xa quê hương đất tổ.

Tôi nhớ vào năm 1938, trước chiến tranh, Pháp nhập mỗi năm 600.000 tấn gạo từ châu Á, trong đó 80% từ Việt Nam. Sau thất bại tháng 6-1940, Pháp cũng mất đi nguồn cung cấp gạo. Vì thế vào năm 1941, chính phủ Vichy đã quyết định tận dụng nguồn lính thợ Việt để làm lúa ở Pháp. Thế là ngay giữa thời chiến, 225 lao động Việt Nam của đại đội 25 được đưa đến Camargue. Họ vốn là những nông dân giỏi ở Việt Nam. Đó là khởi đầu của lịch sử lúa nước tại Camargue.

(...) Lúa giống thì chúng tôi đi tìm mua ở Piémont (Ý). Những người nông dân Việt đã thuần hóa được số lúa giống đó bằng những kỹ thuật của cha ông mình và đem lại thành công nhanh chóng cho các đồng lúa ở Camargue. Mùa thu hoạch đầu tiên vào tháng 9-1942, chúng tôi làm được 180 tấn trên 50ha. Sang năm 1943, vụ mùa đem về 600 tấn trên 230ha. Sang năm sau là 2.200 tấn từ 800ha. Điều kỳ diệu đó đã kéo dài đến năm 1960 khi nước Pháp tái lập chuyện mua bán gạo với khu vực Đông Nam Á, nơi người ta làm lúa được ba vụ mỗi năm.

Thế nhưng ở thời Đức chiếm đóng, lúa gạo quý như vàng. Thời đó người ta đổi 1kg lúa lấy 50kg ximăng. Nhiều người dân Arles đã giàu lên từ vài hecta đất trồng lúa. Thế mà đến ngày hôm nay, mỗi dịp lễ hội lúa gạo ở Arles vào tháng chín, chẳng ai chịu nhớ ơn hoặc trả lại công bằng cho những người đồng hương của tôi đã đem lại tiếng thơm cho vùng Camargue. Việc thừa nhận chính thức đó là chuyện quá dễ làm. Nó vinh danh cho vùng đất này và càng góp phần gìn giữ tình bằng hữu Pháp - Việt”.

(Trích từ cuốn sách Hành trình của một ông quan bé của ông Lê Hữu Thọ
- NXB L’Harmattan, 1996)

________________

Pierre Daum - người chọn sự thật lịch sử

Câu chuyện về những người lính thợ và lính tập đến từ Việt Nam đã được “xới” lại ở Pháp mạnh mẽ hơn kể từ sau cuốn sách thể loại điều tra của nhà báo Pháp Pierre Daum xuất bản hồi tháng 5-2009 (NXB Solin).

Nhà báo Pháp Pierre Daum

Nhà báo tự do 43 tuổi này tình cờ phát hiện câu chuyện những người lính thợ Việt khi ông đến Arles làm một phóng sự năm 2004. Từ đó ông thu thập tư liệu và tìm gặp nhân chứng tại Pháp lẫn Việt Nam.

Tổng cộng 11 người ở Pháp và 14 người ở Việt Nam đã xuất hiện trong cuốn Những người bị cưỡng bức nhập cư - những người lính thợ Đông Dương tại Pháp, 1939-1952. Ông muốn sự thật lịch sử phải được nhìn nhận đúng.

Trong buổi lễ tại Arles, nhà báo - nhà văn Pierre Daum cũng có buổi trò chuyện quanh cuốn sách của mình. Ông nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo chính trị ở nước Cộng hòa Pháp nhìn nhận trang đen tối đó của lịch sử đô hộ thuộc địa”.

T.LIÊM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét