Họ thu mua mỗi vụ hàng vài trăm tấn thóc để ăn chênh lệch nhưng với những biến động khôn lường của thị trường như vừa qua, những “đại lý làng” này như những con bạc thực sự…
Thóc lên xe, tiền rơi xuống
Lúc tôi đến, vợ chồng anh Phùng Xuân Phích ở thôn Cung Thuế (Kim Đường, Ứng Hoà, Hà Nội) đang mải mốt bê mấy bao thóc nhập kho. Hai căn nhà của anh chị đều biến thành kho thóc mỗi khi mùa đến. Lúa chất ngồn ngộn lên đến tận mái nhà, chỉ chừa có mỗi lối đi và cái bàn thờ. Khách vào nhà là phải… nhảy lên giường ngay còn muốn thoáng hơn, trải chiếu ra dưới gốc cây ở sân mà ngồi. Anh Phích bảo năm nay giá thóc diễn biến ngon lành quá nên… hỏng ăn.
“Đầu vụ, giá lúa Khang Dân, tạp giao là 40 (4.000đ/kg), được nửa tháng, giá lên 44, 45, 47 rồi leo đến 50. Ai cũng nghĩ giá dừng ở đấy, không ngờ khi đã 50 chỉ trong vòng có 10 ngày, nó vọt lên 60, 61, 62. Lúc ấy dân bán ra như vũ bão. Làng có hai đại lý thóc, vài ngày quần được cỡ 100 tấn. Cánh đại lý chúng tôi đong đuổi, bán đuổi, cứ chênh được dăm giá nhỏ là đẩy đi. Sáng có khi mấy chục tấn đầy kho nhưng chiều không còn một hột. Nhà chật nhiều khi cũng chẳng trữ được nên chúng tôi cứ đóng bao, trả tiền tươi rồi gửi luôn nhà dân. Xe về ăn hàng, cứ chạy một vòng quanh làng để bốc lúa. Xoay thế mà cũng không kịp bởi giá xuống nhanh quá, trong vài ngày còn có 57, đã thế họ lại còn không lấy hàng nữa. Hiện chúng tôi vẫn còn khoảng 40 tấn chưa bán được. Dân tình thì cứ lấy cái giá 60, 61 tuần trước để làm mốc nên đong tụt xuống dưới họ cũng không bán”.
Sở dĩ vợ chồng anh Phích năm nay không dám “ăn dầy” bởi cú ngã ngựa vụ trước. Năm kia, giá lúa gạo lên như diều, ai cũng tiếc rẻ không trữ được nên năm ngoái vợ chồng anh Phích ngay từ đầu vụ huy động một cục tiền lớn để gom hàng. 70 tấn lúa nhập kho với giá 56 từ đầu vụ đã làm vợ chồng anh vững tâm lắm. Không ngờ, thị trường ngày càng đi xuống. Giá rớt hàng ngày đã hoảng, càng căng hơn khi chủ nợ réo giục mỗi bữa. Bí thế, anh chị đành bán ra khi giá còn có 37. Cứ mỗi xe chất đủ 5 tấn thóc, ặc è phịt khói chạy ra khỏi cổng, thằng con nhỏ nhà anh lại chép miệng bảo: “Lại ra đi mất 6 triệu đồng rồi”. Đã thế tích trữ lúa lại rất hao hụt, một kho độ 20 tấn mất 5-7 tạ do chuột ăn. Nhà anh nuôi 4 con mèo quần thảo liên tục bên ngoài nhưng ở những khe kẹt nhỏ, mèo không len vào được, chuột chạy, nhai thóc cứ rào rào như tằm ăn rỗi.
Chúng ăn nhiều đến nỗi, xúc thóc đi, có đến vài tạ vỏ trấu và phân chuột. Chúng đái nhiều đến độ thóc mọc mầm, sinh mộng, hạt nào không nẩy mầm cũng sinh ra nanh vàng. Thóc ấy xát lợn còn chê hôi ngúng nguẩy quay mõm đi, chỉ còn nước bán rẻ thối cho cánh đấu thầu đầm mang tãi xuống ao cá ăn. Vụ đó, anh chị mất 100 triệu đồng, thế nên năm nay, họ không dám gom thì giá diễn biến ngon quá, tiếc đứt ruột. Giờ một số nông dân trong làng họ vay tiền để chi tiêu chứ nhất định không chịu bán thóc giá thấp, đợi lên cao mới bán. Khi giá lên đến 60, họ bán ra ào ào, vợ chồng anh Phích mua vào được 70 tấn mới bán được ½ giá đã chúc đầu đi xuống, lỗ 6-7 triệu. “Ai ngờ, giá đang lên phơi phới thế, ai cũng nhận định thóc phải đến 70 vì diễn biến, tốc độ tăng rất giống năm 2007. Đùng cái Chính phủ bảo bình ổn giá. Ti vi ra rả ở đâu có sốt gạo, sẽ cho xe đến dội gạo kéo giá xuống ngay”, anh Phích bảo.
Cách buôn bán của những đại lý thóc làng cũng đơn giản. Khách là những hàng xáo ở mạn Hoài Đức, Sơn Tây trong TP hoặc thậm chí tận Thái Nguyên, Bắc Giang…lắm khi chẳng biết mặt. Giao dịch qua điện thoại, hẹn giá thế này, chất lượng thế kia rồi cho lái xe xuống, ôm tiền đi mua. Thóc lên xe, tiền rơi xuống. Cứ thế mà diễn. Chẳng đặt cọc, chẳng ký hợp đồng gì sất. Khi giá xuống, dù có đặt hàng miệng rồi họ cũng đánh tháo. “Thôi thì đủ lý do, phổ biến nhất hỏng xe không về được, gọi chán vài hôm họ mới ngọt nhạt bảo: “Lúa dạo này ế quá, thư thư cho ít bữa”. Chúng tôi ở giữa là chết. Mua của dân bao nhiêu chẳng dám thiên thẹo, nói lời phải giữ lời kẻo về sau họ chẳng gọi bán cho mình nữa”. Vợ anh Phích kể. Vụ này, ăn non, anh chị cũng được cỡ 50-60 triệu lãi.
Ngân hàng trong dân
Để có vốn buôn thóc, anh chị Phích vay lãi tư nhân 1,2% trong thôn, bằng đúng mức lãi của ngân hàng. Đỉnh điểm vay 200-300 triệu vẫn ào ào, bởi hàng thóc gạo rất dễ vay. Mặt khác, khi dân cần tạm ứng chi tiêu, họ nhờ đại lý thóc vay hộ cũng với mức 1,2%, cuối vụ trả tiền hoặc thóc theo giá thị trường. Cả hai cùng có lợi nên huy động vốn cực dễ.
Dân Cung Thuế còn may hơn dân làng Tu Lễ bên cạnh vì bán được giá chứ mấy trăm tấn lúa giống ở đây bán rẻ quá. Chả là lúc bán 50, 51 cho các Cty giống xuất đi miền Trung, tự nhiên chỉ một hai tuần sau giá cứ ùng ục đi lên đến trên 60. Kể cũng nghịch lý, bán giống mà thua hẳn bán lúa thịt. Nhiều hộ nông dân xuất mấy tấn lúa giống một lúc, mất đứt 5-7 triệu trong vòng vài ngày, người cứ thơ thẩn tiếc.
Sang nhà ông Phạm Văn Tân ở làng Tu Lễ, lúa còn ự tràn ra sân, phủ tạm bạt che sương gió vì chưa bán được. Ông Tân bảo, làng có trên 600 mẫu ruộng, từ đầu vụ tới giờ ông đã gom trên 200 tấn nhưng trong dân vẫn còn đến 700-800 tấn nữa. Vụ trước ông gom lúa thật lực và đắng cay chịu lỗ 70 triệu đồng nên vụ này “chột” chẳng dám ôm nhiều. “Giá lúc thời điểm trên 6.000đ có 4-5 hôm, nhà khi ấy còn vài chục tấn không dám bán ra, hãi cũng không dám mua vào. Hàng chết dí một chỗ nên để tuột cơ hội trời cho trong tầm tay. Giờ giá lúa xuống, dân gọi mua nhiều hơn nhưng cũng chẳng tìm được đầu ra”,
Đến nhà đại lý Đinh Công Tư ở xã Minh Đức, tôi phải trèo… qua thóc để vào phòng khách vì hàng đã chất kín mấy gian bên ngoài. Vụ trước anh cắm sổ đỏ ở ngân hàng, vay vốn kích cầu thả phanh 1,75% mấy trăm triệu, vay trong dân lại kèm thêm nguồn vốn cả trăm triệu của đứa con đang lao động bên xứ Đài gửi về. Anh chị gom hàng trăm tấn thóc lúc giá 53, 54 sau xuống trên 30, bán đi lỗ mất đứt gần 200 triệu. Vụ này không dám trữ mấy thì giá lại lên. Vợ anh Tư chép miệng: “Biết thời thế thì đến trẻ con cũng làm được, có tiếc hùi hụi cũng chẳng làm gì được”. Trước vợ chuồng anh Tư chỉ đi cấy, chạy xe công nông chở thóc cho cánh đại lý, sau học lỏm kinh nghiệm cũng tự đứng ra làm để ăn vài phết phẩy. Thua đau ở vụ trước, vụ này anh chị cũng gỡ lại được dăm, sáu chục triệu nhưng chẳng biết mấy năm làm ăn suôn sẻ nữa mới đắp cho bằng cái lỗ 200 triệu.
Trong khi đi khắp vùng đa số nghe những cái tặc lưỡi tiếc rẻ chuyện không dám ôm lúa thì chỉ có bà Vui ở làng Thần xã Minh Đức vụ này trúng đậm. Từ đầu vụ bà đong đuổi, bán đuổi cả ngàn tấn mà trong hai kho giờ vẫn ăm ắp trên 200 tấn lúa của vụ trước đong với giá 36, 37 và đầu vụ này đong giá 41, 42. Khi sốt giá giống qua đi, bà vẫn không hề nao núng, vẫn găm hàng bởi nhận định giá sẽ còn lên vào dịp giáp Tết. Ngay cả với giá bán lúc này, nếu phá kho, bà đã cầm chắc trong tay mức lãi 400 triệu… Nhưng người trúng lớn trên “sòng bạc” lúa gạo như bà Vui, rất hiếm hoi.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét