Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Tình hình sản xuất, xuất khẩu lúa gạo năm 2009: Dự báo giá gạo sẽ còn tăng


Trong khuôn khổ các hoạt động của Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất năm 2009 được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, chiều 28/11,UBND tỉnh Hậu Giang, Ban Tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội lương thực Việt Nam họp báo giới thiệu về tình hình sản xuất, xuất khẩu lúa gạo năm 2009.

Tham dự buổi họp báo có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam Trương Thanh Phong…, cùng đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo.

Tại buổi họp báo, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Lương thực Miền Nam cho biết: “Dự kiến cả năm 2009, số lượng gạo xuất khẩu đạt 6 triệu tấn, trị giá FOB 2,435 tỷ USD, tăng 28,23% về số lượng và giảm 8,56% về trị giá FOB. Năm 2009 là năm xuất khẩu lúa gạo đạt số lượng cao nhất từ trước đến nay và có những bước phát triển nhất định trong hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa của nông dân”.

Ông Phong cũng cho biết, tình hình thị trường lúa gạo thế giới đang có biến động mạnh, do nhu cầu nhập khẩu lớn từ các nước bị thiên tai mất mùa nghiêm trọng; đặc biệt là Philipines và Ấn Độ đã đẩy giá gạo tăng cao từ đầu tháng 11 đến nay. Dự báo giá gạo sẽ còn tăng tiếp sau khi Philipines mở các đợt đấu thầu mua gạo trong tháng 12/2009, nhưng giá gạo không có khả năng tăng như đầu năm 2008.

Đối với thị trường trong nước, do tác động của giá gạo thế giới, các doanh nghiệp tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu, trong khi lúa gạo hàng hóa trên thị trường không còn nhiều, hầu hết đã được mua dự trữ trong kho của doanh nghiệp. Giá lúa Thu Đông đã tăng lên mức từ 5.700-6.000 đồng/kg, gạo 5% tấm xuất khẩu không bao tại mạn tàu đến 9.200 đồng/kg. Dự báo giá gạo sẽ còn lên nữa sau khi đấu thầu và ký tiếp hợp đồng với Philipines trong tháng 12/2009.

Để bình ổn thị trường, Hiệp hội lương thực Việt Nam đã triển khai một số biện pháp như: đề nghị các doanh nghiệp thành viên chuẩn bị dự trữ gạo lưu thông; phối hợp với các địa phương tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân biết, tránh không để sốt lúa gạo do thông tin bị sai lệch, tránh mua bán đầu cơ tích trữ; các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trước mắt không mua bán lòng vòng để tăng nguồn hàng xuất khẩu làm ảnh hưởng đến người tiêu thụ và mặt bằng chung của cả nước; đồng thời mở kho bán gạo ra thị trường khi giá tăng lên 10.000 đồng/kg hoặc ở mức giá bình ổn được sự thống nhất của chính quyền các địa phương./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét